Mạt kỳ Cử (nước)

Mô hình quốc đô Cử thành của nước Cử, sau này cũng là một thành quan trọng của nước Tề

Từ năm 541 TCN đến năm 468 TCN là mạt kỳ trong lịch sử nước Cử. Thời kỳ này, nước Tấn dần dần lớn mạnh, Cử thì bị mất viện trợ từ nước Tấn đang chia rẽ và suy yếu. Theo như ghi chép thì trong thời kỳ này, nước Cử lần lượt có bốn quốc quân là công tử Triển Dư, Trước Khâu công, Cộng công, Giao công. Không rõ về quân chủ của Cử khi nước này bước vào thời Chiến Quốc. Đến năm 431 TCN, nước Sở diệt Cử.

Trong giai đoạn này, lãnh thổ của nước Cử thường bị Tề và Lỗ chiếm lĩnh, thế nước dần trở nên hư nhược, chỉ có thể ở thế thủ. Hơn nữa, nước Cử lại có nội loạn, Triển Dư sau khi giết cha đoạt ngôi, lại đoạt đi quyền lợi của "Quần công tử", Quần công tử giữ hận trong lòng nên đã đưa công tử Khứ Tật ở nước Tề về rồi lập làm quân chủ. Triển Dư đến nước Ngô tị nạn, bè đảng của Triển Dư là Vụ Lâu (務婁) và ba người khác vội vàng đến Tề, mang theo hai ấp là Đại Bàng (大龐) và Thường Nghi Mi (常儀靡). Sau đó, "Mưu Di" (牟夷) về tay nước Lỗ, hai ấp "Mưu Lâu" (牟婁) và "Phòng" (防) được trao cho Lỗ.

Năm 532 TCN, nước Lỗ phạt Cử, công chiếm "Cánh" (郠). "Cánh" nằm ở ranh giới của huyện Nghi Thủy ngày nay, cũng là cửa ngõ chiến lược của nước Cử, do đó, binh lính phòng thủ ở biên cương phía tây nước Cử đều được rút về. Tại thời điểm này, Cử vẫn còn xảy ra nội loạn. Sau khi vua Khứ Tật mất, Bồ Dư hầu (蒲余侯) giết chết công tử Ý Khôi (公子意恢), đón em trai của Khứ Tật là công tử Canh Dư từ nước Tề về làm quốc quân, tức Cử Cộng công. Từ đó về sau, Cử trở thành nước lệ thuộc của Tề.

Năm 523 TCN, Cử muốn thoát khỏi sự khống chế của Tề nên bị Tề hai lần tấn công, nhưng lần này, quốc lực nước Cử đã suy giảm rất nhiều, không đọ nổi với tất cả các nước xung quanh. Đến thời Chiến Quốc, thế lực của nước Sở mở rộng đến thượng du Hoài Hà, diệt nước Sái, và sau đó diệt Cử vào năm thứ nhất sau khi Sở Giản vương lên ngôi. Tuy nhiên, do nước Sở ở cách quá xa đất Cử, vì thế Sở không thể chiếm hữu lâu dài đất Cử, toàn bộ lãnh thổ nước Cử cuối cùng trở thành cương thổ của Tề.